Bao giờ công khai, minh bạch Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai 2013-2018?
Sự buông lỏng trong quản lý, quy hoạch bị băm nát, điều chỉnh liên tục theo “sự chi phối của DN” đẩy người dân vào sự khó khăn là vấn đề được nhiều ĐB đề cập tới. Ngày 27/5, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chính phủ cho rằng, các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng đã được hoàn thiện, đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng. Qua đó, đã từng bước khắc phục tình trạng “xin – cho” trong tiếp cận đất đai; góp phần làm giảm dần tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai…
ĐB Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, qua làm việc với 7 bộ, ngành, 12 địa phương và 40 dự án sử dụng đất đô thị, đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong sử dụng đất “vàng”; quy hoạch các dự án nhà ở, khu đô thị và cách xác định giá đất… dẫn tới khiếu kiện về đất đai kéo dài. Nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân. Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhắc tới như một điển hình của sai phạm trong xây dựng
Ngoài ra, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp. Nhiều dự án đô thị chậm tiến độ; một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ đủ điều kiện mới thực hiện hoặc chờ chuyển nhượng dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, phần lớn dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) là chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã GPMB mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát. Cùng với đó, một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa…
Từ thực tế giám sát, Đoàn đã kiến nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất tại đô thị. Xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan đến công tác quy hoạch. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, xử lý các vụ sai phạm, báo cáo Quốc hội trước 2020. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về giá đất, quỹ đất trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, minh bạch các dự án giao đất phục vụ kinh tế – xã hội thông qua đấu giá.
Cùng với đó, rà soát khung giá đất để có điều chỉnh phù hợp với giá thị trường. Đoàn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực….